Những xét nghiệm trước khi sinh mẹ bầu cần nắm rõ

1. Xét nghiệm trước khi sinh bao gồm những gì?
Có rất nhiều loại xét nghiệm khác nhau mà mẹ bầu cần thực hiện trong suốt cả thai kỳ, tuy nhiên có 2 nhóm xét nghiệm chính đó là: Những xét nghiệm ngay sau khi biết mình có thai và những xét nghiệm tầm kiểm soát dị tật thai nhi.

Mục đích của những xét nghiệm ngay sau khi biết mình mang thai sẽ giúp bác sĩ nắm được các thông tin cần thiết nhất về chỉ số sức khỏe của mẹ giúp cho quá trình theo dõi thai kỳ hiệu quả hơn như là:

– Kiểm tra xem người mẹ có mắc phải tình trạng thiếu máu hay không. Nếu như người mẹ bị thiếu máu bác sĩ sẽ có hướng điều trị bằng cách yêu cầu mẹ phải bổ sung thêm sắt.

– Xác định chính xác nhóm máu của mẹ bởi trong khi sinh em bé phòng ngừa khả năng phải truyền thêm máu.

– Kiểm tra xem mẹ bầu có mắc phải bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào thông qua đường tình dục hay bệnh sởi hoặc viêm gan hay không

– Kiểm tra xem người mẹ có bị viêm thận hay bàng quang ngăn ngừa khả năng sinh non

– Kiểm tra mức độ ổn định tuyến giáp của người mẹ để không làm ảnh hưởng đến hoocmon tuyến giáp của thai nhi

2. Những xét nghiệm ngay sau khi biết có thai là gì?
Như đã nói ở trên, sẽ có rất nhiều xét nghiệm trước khi sinh mà mẹ bầu cần thực hiện và làm theo đầy đủ chỉ định của bác sĩ để không gây ảnh hưởng đến quá trình theo dõi sức khỏe của thai nhj cũng như giúp mẹ vượt cạn an toàn, thành công. Những xét nghiệm này bao gồm:

2.1 Xét nghiệm máu thường quy
Xét nghiệm máu thường quy là xét nghiệm trước khi sinh quan trọng nhằm đánh giá chung tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, đồng thời giúp bác sĩ dự đoán được các biến chứng nguy hiểm có khả năng xảy ra trong thai kỳ cũng như trong cuộc sinh. Trên cơ sở kết quả thu được từ quá trình xét nghiệm máu và thăm khám sơ bộ, bác sĩ sẽ đưa ra được những chỉ định hiện can thiệp nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

Các chỉ số có thể kiểm tra được thông qua xét nghiệm máu thường quy trước sinh cho mẹ bầu đó là:

– Xác định được chính xác nhóm máu là gì. Nắm được thông tin này sẽ giúp cho bác sĩ có sự chuẩn bị nhằm đề phòng khả năng phải truyền máu trong thai kỳ cũng như khi vượt cạn nếu như bị xuất huyết nhiều. Đặc biệt là đối với những mẹ bầu thuộc các nhóm máu hiếm

– Xét nghiệm được yếu tố Rh: Mục đích của việc thăm dò chỉ số này đó là nếu như mẹ mang nhóm máu có yếu tố Rh- và bố có yếu tố Rh+ thì nhóm máu của em bé có thể sẽ mang Rh+. Điều này dẫn đến việc cơ thể của người mẹ sẽ sản sinh ra những kháng thể làm phá hủy hồng cầu của thai nhi

– Đánh giá được tình trạng thiếu máu của mẹ bầu thông qua hàm lượng sắt có trong máu.

– Phát hiện được các bệnh lý gây rối loạn tế bào máu như là tế bào hình liềm hoặc thalassaemia gây ra tình trạng thiếu máu cho cả mẹ bầu và thai nhi

-Phát hiện được mẹ bầu có đang mắc các bệnh lý truyền nhiễm như là virus Rubella, Cytomegalo, viêm gan B, HIV, xoắn khuẩn gây bệnh giang mai,… hay không

– Tầm soát nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi thông qua xét nghiệm sàng lọc trước sinh Double test, Triple test hoặc NIPT.

2.2 Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ trước sinh
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý được chẩn đoán vào giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này bắt nguồn từ hormone nhau thai sản xuất nhằm giúp cho thai nhi phát triển. Tuy nhiên, các hormone này có thể sẽ ngăn chặn không cho insulin thực hiện chức năng của nó khiến cho đường trong máu vẫn nằm yên tại chỗ. Khi không được chuyển hóa thành năng lượng tế bào sẽ trở nên dư thừa và kháng insulin.

Bệnh nếu như không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm như là: tăng nguy cơ sảy thai và sinh non, mẹ bầu bị đa ối khiến cho tử cung to nhanh và gây rối loạn tuần hoàn cũng như hô hấp ở mẹ, tăng nguy cơ huyết áp cao và tiền sản giật, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi,…

Xét nghiệm trước khi sinh nhằm chẩn đoán bệnh lý tiểu đường thai kỳ được thực hiện vào tuần thứ 24-28 và thông qua nghiệm pháp dung nạp đường glucose qua đường uống. Thời gian thực hiện xét nghiệm là vào buổi sáng, sau khi mẹ bầu đã nhịn đói ít nhất 8 giờ và không quá 12 giờ. Mẹ bầu sẽ được lấy máu vào 3 thời điểm như sau:

– Lần thứ 1: Lấy máu sau khi nhìn đói
– Lần thứ 2: Lấy máu sau 1 giờ khi mẹ bầu uống glucose
– Lần thứ 3: Lấy máu sau 2 giờ khi mẹ bầu uống glucose

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, tuy nhiên sau khi uống đường glucose có thể mẹ sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc chóng mặt. Tuy nhiên, mẹ hãy yên tâm nhé bởi đây là một triệu chứng hoàn toàn bình thường.

2.3 Xét nghiệm nguy cơ mắc tiền sản giật
Tiền sản giật là một biến chứng mẹ bầu rất dễ gặp phải trong thai kỳ và thường xuất hiện sau tuần thai thứ 20, kéo dài cho đến 6 tuần sau khi sinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mẹ bầu bị giảm lưu lượng máu đến nhau thai – nơi thực hiện chức năng nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ

Khi bị tiền sản giật mẹ bầu có khả năng đứng trước những biến chứng nguy hiểm với chính bản thân mình cũng như với thai nhi như là: bị tăng huyết áp, nhau bong non, gây ra bệnh thận sau sinh, thai nhi bị chậm phát triển trong bụng mẹ, sinh non, thai chết lưu,…

2.4 Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu trước khi sinh là phương pháp được thực hiện nhằm xác định sớm các dấu hiệu của những tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, được phát hiện thông qua sự hiện diện của một số chất có trong nước tiểu. Những mục đích quan trọng của việc xét nghiệm nước tiểu bao gồm:

– Giúp phát hiện sớm được nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu

– Nếu như kết quả cho thấy có thành phần protein trong nước tiểu chính là báo hiệu nguy cơ tiền sản giật, mẹ bầu phải hết sức cẩn trọng

– Khi thấy nước tiểu có lẫn máu thì có nguy cơ mẹ bầu bị mắc phải bệnh lý về thận, bàng quang hoặc hệ tiết niệu.

– Khi phát hiện thấy có đường trong nước tiểu thì chứng tỏ mẹ bầu đang mắc phải tiểu đường thai kỳ

– Nhằm phát hiện và chẩn đoán bệnh lý ung thư bàng quang bằng cách phân tích dưới kinh hiển vi tế bào đổ ra từ niêm mạc bàng quang có xuất hiện trong nước tiểu.

– Kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu nếu phát hiện thấy có enzym do bạch cầu tạo ra hoặc nitrite do vi khuẩn tạo ra.

Trong tất cả những lần đi khám thai, bác sĩ Sản khoa sẽ yêu cầu mẹ bầu cần tiến hành xét nghiệm nước tiểu. Bởi vì đây chính là cách giúp bác sĩ phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ.

2.5 Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS PCR)
Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B là xét nghiệm trước khi sinh được thực hiện vào giai đoạn tuần thai từ 35-37 nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi. Liên cầu khuẩn nhóm B là một trong nhiều loại vi khuẩn sinh sống trong cơ thể và thường sẽ không gây nên những bệnh lý nghiêm trọng, tuy nhiên đối với những mẹ bầu đang mang thai thì vi khuẩn có thể lây sang con vào thời kỳ cuối của thai kỳ.

Có 2 loại nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B cho em bé sơ sinh đó là giai đoạn sớm và giai đoạn muộn. Cả hai loại này đều có nguy cơ gây nên những hậu quả vô cùng nghiệm trọng như là:

– Đối với nhiễm giai đoạn sớm: Thường xảy ra vào tuần đầu tiên của em bé sơ sinh, lây nhiễm trong vòng 24-48 giờ sau sinh. Em bé sơ sinh sẽ bị lây nhiễm khi di chuyển qua âm đạo của người mẹ và có một số em bé bị nhiễm do tiếp xúc với vi khuẩn. Những hệ lụy có thể xảy ra như là nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm da mủ, viêm màng não,…

– Đối với nhiễm giai đoạn muộn: Thường xảy ra sau 6 ngày tuổi và cũng bị lây nhiễm khi thai nhi đi qua đường âm đạo của người mẹ hoặc là tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn. Hệ lụy có thể xảy ra như là viêm phổi, viêm màng não.

Quá trình xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B được thực hiện bằng cách: Bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng tăm bông lấy dịch từ tử cung và trực tràng của mẹ bầu. sau đó mẫu thử sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Các thao tác này diễn ra vô cùng nhanh chóng và không gây ra cảm giác đau đớn cho mẹ, nên mẹ bầu có thể an tâm thực hiện nhé.

Nếu như, kết quả xét nghiệm cho ra dương tính thì mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh trong quá trình vượt cạn để ngăn ngừa việc vi khuẩn có thể lây truyền sang con.

 

Vậy là, chúng ta có thể thấy rằng những xét nghiệm trước khi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi hành trình mang thai của người phụ nữ.